Sáng nay (24/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành, thông xe đưa vào khai thác 4 dự án giao thông quy mô lớn gồm: Cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Buổi lễ được tổ chức trực tuyến tại 4 điểm cầu: Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long, thông tin về dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận chia sẻ: “ Từ ngày 29/8/20223, chúng tôi phát động thi đua 120 ngày đêm tăng tốc hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Từ thời điểm đó, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng nhà thầu đã ngày đêm nỗ lực, phấn đấu, tổ chức thi công ba ca, bốn kíp quyết tâm hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2023 theo chỉ đạo”.
“Ngay sau đó, khí thế thi công trên công trường sôi động, rầm rộ hơn. Một lượng lớn thiết bị, máy móc, cùng hàng trăm kỹ sư, công nhân được huy động đến công trường ngày đêm thi công. Hơn bao giờ hết, tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhau giữa các nhà thầu được nêu cao. Ban QLDA Mỹ Thuận cũng chỉ đạo các nhà thầu lập lại kế hoạch thi công chi tiết theo từng tuần, từng ngày. Với tinh thần “vượt nắng – thắng mưa”, “ăn tranh thủ – ngủ khẩn trương”, không quản ngại khó khăn, dồn mọi nguồn lực để dự án về đích trong buổi lễ khánh thành hôm nay”, ông Thi nói.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 839 ngày 16/6/2020 và Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định 1170 ngày 17/6/2020.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và điểm cuối tại kết nối với QL1 tại nút giao Chà Và. Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công ngày 1/2/2021, trong gần 3 năm thi công, dự án gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, các yếu tố bất lợi về thời tiết, thiếu nguồn vật liệu, vướng giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, dự án đi qua khu vực nền đất yếu, thời gian gia tải lâu thách thức rất lớn về tiến độ. Tuy nhiên, nhiệm vụ đưa dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ không thể không hoàn thành. Bằng sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của các nhà thầu, Ban QLDA Mỹ Thuận, sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Cục Quản lý Đầu tư Xây dựng… dự án cũng đã về đích đúng kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, đại diện cho các đơn vị tư vấn cho biết, là đơn vị tham gia tư vấn giám sát 2/4 dự án được tổ chức lễ khánh thành ngày hôm nay gồm dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2.
“Đây là hai dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối liên thông trục cao tốc Bắc – Nam đoạn từ TP. Hồ Chí Minh về đến TP. Cần Thơ. Việc thi công hai dự án tại khu vực nền đất yếu, có các yêu cầu kỹ thuật cao và thi công với khối lượng công việc rất lớn.
Do đó ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, bố trí nhân sự có chuyên môn cao phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, địa phương có hai dự án trọng điểm đi qua và khánh thành hôm nay là niềm tự hào và có ý nghĩa lớn. Hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông QL1 qua địa bàn tỉnh, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là thời cơ mới tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Trong thời gian tới, các dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng, để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế dọc sông Hậu, hành lang kinh tế dọc sông Tiền).
Qua đó, phát triển hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Đồng thời, đầu tư các tuyến đường kết nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ theo quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: Tạp chí giao thông vận tải