.Tỉnh này có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Vị trí chiến lược của Đồng Tháp
Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 3.283 km2. Đồng Tháp là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL và cả nước, ngoài ra nằm trên các tuyến giao thông thuận lợi kết nối với TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Tỉnh có vị trí chiến lược với gần 50 km đường biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế với Campuchia là Thường Phước, Dinh Bà và 5 cặp cửa khẩu phụ. Cùng với đó, 2 bến cảng bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi với biển Đông và Campuchia.
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050, mục tiêu phát triển đến 2030, Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công.
Hoạt động kinh tế xã hội Đồng Tháp ra sao?
Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. “Đất Sen hồng” đứng thứ 3 cả nước về tổng sản lượng lúa của cả nước với 3,3 triệu tấn/năm, sau Kiên Giang 4,3 triệu tấn/năm, An Giang 4,1 triệu tấn/năm; đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu thủy sản với tổng kim ngạch khoảng 900 triệu USD, trong đó riêng cá tra đứng đầu cả nước về sản lượng xuất khẩu.
Năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp đã phục hồi và có chuyển biến tích cực. Mặc dù tăng trưởng kinh tế, huy động nguồn lực chưa đạt kỳ vọng, nhưng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế đạt mốc trên 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt gần 69 triệu đồng, tăng 12,16% so với năm 2022. Đây là mức cao trong vùng ĐBSCL.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, bằng 107,4% dự toán năm. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng 10,49% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2023 ước đạt trên 1,7 tỷ USD, tăng 35,15% so với năm 2022.
Sản xuất công nghiệp trong tháng 1/2024 có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt gần 10.800 tỷ đồng tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 3,6% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) tháng 1/2024 ước đạt 104,184 triệu USD, đạt 7,4% so với kế hoạch và tăng 41,8% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực (gạo, thủy sản) đều có giá trị xuất khẩu tăng so với tháng trước.
Tổng lượt khách du lịch do các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ước thực hiện tháng 1/2024 là 350.000 lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch ước thực hiện tháng 01/2024 là 150 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 16/01/2024 đạt 222 tỷ đồng, đạt 2,4% dự toán năm, chi cân đối sách địa phương đạt 1.284 tỷ đồng, đạt 7,7% dự toán năm. Ước thực hiện đến ngày 31/01/2024, huy động vốn đạt 68.509 tỷ đồng, tăng 219 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 0,32% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay đạt 107.752 tỷ đồng, tăng 919 tỷ đồng, tăng 0,86% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%.
Nguồn: Đời sống Pháp luật