Hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam qua tới Nhật bị buộc tiêu hủy trong tháng 10 do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết. Mới đây, 2 lô hàng sầu riêng và ớt nhập từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Theo đó, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.
Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất, phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
Trước vi phạm trên, cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết các chất này mới chỉ có nghiên cứu trên động vật và mỗi loại động vật có thể có tác dụng bất lợi khác nhau. Ví dụ như chuột nhắt khi dùng liều cao lâu ngày thì gây khối u gan. Tuy nhiên, cả ba loại hóa chất này đều là hóa chất bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng nên việc phát hiện các hóa chất này có trong sầu riêng và ớt xuất sang Nhật Bản là điều hoàn toàn bình thường. Việc dư lượng hóa chất vượt quá quy định của Nhật không có nghĩa là nó có hại cho sức khỏe người dân Việt Nam nếu ăn các thực phẩm này.
Ngoài ra theo ông Dũng, mỗi quốc gia có mức độ chặt chẽ khác nhau. Ví dụ như ở Nhật, lượng procymidon trong tỏi cho phép là 0,1 mg/kg nhưng ở Australia lên đến 5 mg/kg.
Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản) – đơn vị nhập khẩu hai lô hàng trên – cho biết thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi hàng bị buộc tiêu hủy.
‘Tôi nhập FOB (người bán chịu mọi chi phí và rủi ro trước khi hàng được vận chuyển đến cảng) trách nhiệm lô hàng sẽ thuộc về doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy đơn vị cung ứng phản hồi. Hiện, tổng thiệt hại lô sầu riêng là 220 triệu đồng. Còn lô ớt thì phía xuất khẩu cho biết sẽ chịu trách nhiệm”, bà Oanh nói.
Theo bà Oanh, trong hợp đồng mua bán với đơn vị xuất khẩu của Việt Nam, công ty đều yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kiểm dịch của Nhật. Hiện, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí về lưu kho, bến bãi. Do đó, nếu hàng không đảm bảo chất lượng, chi phí sẽ đội lên rất cao vì phải lưu kho chờ kiểm dịch kéo dài.
Bà Oanh cho biết trước đó, trong tháng 9, Công ty Japan Apple LLC cũng nhập phải một lô hàng sầu riêng cắt non. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, buộc doanh nghiệp phải thu hồi, chịu lỗ nặng. Bà Oanh cho rằng Nhật Bản là thị trường khó tính, với việc làm ăn thiếu trách nhiệm như trên sẽ khiến doanh nghiệp của bà bị ảnh hưởng về uy tín và thương hiệu. Điều này cũng khiến sầu riêng Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Thái tại thị trường Nhật.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay đã báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để khuyến cáo tình trạng hàng hóa vi phạm quy định tại nước nhập khẩu.
Theo ông Minh, việc vi phạm tương tự trên không chỉ Việt Nam mắc phải mà nhiều lô hàng trái cây từ các nước tiên tiến khác cũng thường xuyên vi phạm. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường khó tính, muốn xuất khẩu ổn định, các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng.
Linh Đan
Ông khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi kinh doanh với Nhật Bản cần biết và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nước bạn để tránh bị ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp làm ăn uy tín và thương hiệu Việt.
Theo Tổng cục Hải quan,10 tháng vừa qua, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, chiếm 7,4% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, rau quả có giá trị xuất sang Nhật đạt hơn 150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng sầu riêng, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất gần 1,3 triệu USD sầu riêng tươi sang Nhật, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn sầu riêng đông lạnh sang Nhật Bản đạt gần 1,2 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2022. Doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng tại Nhật đa phần là có quy mô nhỏ. Hàng được bán chủ yếu ở các siêu thị có số đông người Việt mua sắm.
Năm nay, sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 43%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng Việt cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD.