Chỉ số giá dịch vụ vận tải kho bãi quý II tăng 4% so với quý trước, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá gặp khó khăn.
Bài toán chi phí
Trong nước, bình quân quý II/2022, giá xăng dầu tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Đối với xe container và xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35-40%, còn các phương tiện khác, trung bình chiếm khoảng 25%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải gánh thêm các chi phí khác như bến bãi, phí bảo trì đường bộ, BOT.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá dịch vụ vận tải kho bãi quý II/2022 tăng 4% so với quý trước và tăng 8,17% so với cùng kỳ năm 2021, do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới.
Những áp lực về giá nhiên liệu ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vận tải trong nước. Nhiều đơn vị cho biết “càng chạy càng lỗ”, hoặc trong tình trạng cầm chừng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó với đối tác.
“Giá xăng dầu biến động dẫn đến cước vận tải cũng sẽ được điều chỉnh để cân bằng, nhưng lộ trình cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Việc điều chỉnh giá cước như thế nào để giữ được sự ổn định và cạnh tranh là cả một vấn đề”, một đại diện doanh nghiệp cho biết.
Giải pháp cho các doanh nghiệp vận tải
Nhu cầu vận tải cuối năm được dự đoán gia tăng, khi các dịp cao điểm sắp đến như dịp lễ 2/9, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch… Trong thời điểm giá nhiên liệu biến động, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm giải pháp ứng phó, lên kế hoạch để triển khai trước mùa cao điểm.
Một trong những giải pháp quan trọng giúp các công ty có thể ứng phó trong thời điểm khó khăn là cơ cấu lại hoạt động. Trong quy trình hoạt động, các điểm trung chuyển và các tuyến đường vận chuyển cần được kiểm soát và quản lý hiệu quả hàng ngày. Điều này giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành các bộ phận liên quan, đầu ra, đầu vào và đưa ra giải pháp kịp thời cho doanh nghiệp. Việc tăng cường liên kết chặt chẽ trong các hiệp hội vận tải cũng giúp tạo lập mặt bằng giá cước phù hợp và hạn chế giao nhận hàng hóa rải rác làm tăng chi phí.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro hiện tại, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, cũng như liên tục kiểm tra và giám sát hệ thống, nguồn lực trong và ngoài có ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh. Kế hoạch chiến lược phải dựa trên xem xét mạng lưới phân phối, vận hành của doanh nghiệp theo thời gian tuần – tháng – năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ hàng hóa vận tải hai chiều và nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số trong điều phối các hoạt động logistics.