Logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế,… Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả to lớn của logistics, Đảng và Chính phủ đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở tận dụng các lợi thế, cơ hội và đưa dịch vụ logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế quốc dân. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 nêu rõ “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục – đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối”.
Thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Công Thương xin đăng tải hồ sơ Chiến lược gồm:
(i) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược;
(ii) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược;
(iii) Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Chương trình hành động;
(iii) Dự thảo Báo cáo Đề án Chiến lược.
(Hồ sơ Chiến lược xem
Bộ Công Thương kính mời các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm đóng góp ý kiến để hoàn thiện hồ sơ Chiến lược. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Bộ Công Thương (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) trước ngày 31 tháng 01 năm 2024.
Thông tin chi tiết xin liên hệ:
Anh Bùi Bá Nghiêm, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Số điện thoại: 092510 9999, thư điện tử: nghiembb@moit.gov.vn./.